TRIẾT HỌC NHẬP MÔN | |
Tác giả: | NGUYỄN KHẮC DƯƠNG |
Ký hiệu tác giả: |
NG-D |
DDC: | 101 - LÝ THUYẾT TỔNG QUÁT VỀ TRIẾT HỌC |
Ngôn ngữ: | Việt |
Số cuốn: | 3 |
Từ khóa: | Nhập môn Triết học, Triết học nhập môn, Dẫn vào triết học, Triết học Tây Phương, Lịch sử triết học, |
Hiện trạng các bản sách
|
|
|
A. ĐỊNH NGHĨA TRIẾT HỌC
I. Triết Học Khó Định Nghĩa
Có người bảo ta chỉ có thể định nghĩa được triết học khi đã học xong môn đó, tuy nhiên có lẽ chẳng khi nào ta biết mình đã học xong môn triết và cũng chẳng bao giờ dám tự cho là mình đã học xong. Vậy phải chăng như thế là sẽ không bao giờ ta có thể định nghĩa được triết học?
Tuy nhiên triết học đã được tự định nghĩa một phần nào khi ta bảo rằng triết học không thể định nghĩa được. Thật vậy, khi Lachelier, triết gia Pháp, được bổ nhiệm làm giáo sư ở một trường họ, ông đã nói rằng: “Tôi không biết định nghĩa triết học là gì". Nói cho cùng, triết học rất khó định nghĩa và có thể xem đó chính là một đặc tính của triết học.
Dù vậy, ta cũng cố gắng, không phải để định nghĩa phân minh triết học, nhưng là thử đặt câu hỏi xem những người làm triết học đã làm gì, vì thật ra triết học không phải là một sự vật hiện hữu biệt lập với con người, ví dụ như con bò có bốn chân thì dù không có con người định nghĩa nó vẫn là con bò với những đặc tính bất biến không hơn không kém. Trái lại, triết học là sinh hoạt của con người, mà sinh hoạt đó có thể nói, có một phần tính cách riêng rẽ, cá nhân, hay đúng hơn bản thân. Chữ bản thân ở đây hiểu theo nghĩa chính mình phải dấn thân, một sự dấn thân toàn diện con người, một hữu thể rất phức tạp, độc đáo, có những gì có thể gọi là duy nhất và độc nhất.