DẪN NHẬP
Từ khoảng cuối thế kỷ 12, khi các sinh viên và các học giả bắt đầu tổ chức thành những tập thể hay các “đại học” tại các thành phố như Bologna, Paris và Oxford, thì thần học đã trở thành một môn học cơ hữu. Khi các đại học này bắt đầu thay chỗ cho các học viện nhà tu hay học viện nhà thờ chính tòa, chúng thường bao gồm một số khoa phân biệt nhau, trong đó có khoa thần học. Khoảng năm 1250, Đại Học Paris đã có các khoa văn, luật, y, thần học – và đó là những khoa đã làm nên tên tuổi cho trường đại học này.
Khi Inhaxiô Lôyôla phác họa một nhãn quan giáo dục cho các đại học của hội dòng mà ngài mới thành hồi thế kỷ 16, ngài đặt nhãn quan đó trên nền tảng là những gì mà chính ngài đã kinh nghiệm trong quá trình học vấn của ngài, nhất là trong giai đoạn ngài học ở Paris. Cách riêng Inhaxiô đề cao tầm quan trọng của thần học, ngài tuyên bố rằng “trong các đại học của hội dòng, phải đặc biệt nhấn mạnh thần học” (Hiến Pháp, 446). Đối với Inhaxiô, thần học phải là một môn học chặt chẽ, điều mà Michael Buckley mô tả là “một sự khôn ngoan có cấu trúc mạch lạc”. Trong các học viện của hội dòng, việc giảng dạy chính thức về thần học (phân biệt với việc giảng dạy về tôn giáo) sẽ bắt đầu cho các sinh viên ở độ tuổi 17. Đành rằng việc học thần học thường chỉ dành cho những ai chuẩn bị lãnh chức linh mục, song chỗ đứng quan trọng của môn học này trong chương trình giảng dạy của Dòng Tên vẫn in một dấu ấn sâu xa nơi tất cả những ai từng theo học tại các đại học của dòng này.